5 sai lầm về kiến ba khoang có thể khiến cả gia đình bạn gặp nguy hiểm

Kiến ba khoang – loài sinh vật nhỏ bé nhưng reo rắc nỗi ám ảnh cho không biết bao nhiêu người. Chỉ một lần vô thức đập loài côn trùng này, bạn có thể phải trả cái giá đắt đỏ. Các bài viết cảnh báo, chỉ dẫn cách phòng tránh, điều trị vết thương do kiến ba khoang gây ra xuất hiện bạt ngàn trên internet, thế nhưng vẫn số người bị thương bởi kiến ba khoang không vì thế mà giảm. Lý do là vì mọi người vẫn đang mắc phải 5 sai lầm về kiến ba khoang.

1. Nhầm kiến ba khoang với loài côn trùng khác

Sai lầm về kiến ba khoang đầu tiên mà nhiều người thường mắc phải, đó là không nhận dạng đúng loài côn trùng này. Kiến ba khoang là loài côn trùng nhỏ, thân dài như hạt thóc (0,7-1 cm). Thân kiến ba khoang có màu đen và màu da cam (đỏ) xen lẫn nhau, trong đó phần đầu màu đen. Chúng có nhiều tên gọi khác nhau, như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong… Nếu không quan sát kỹ, sẽ rất dễ nhầm lẫn kiến ba khoang với loại kiến khác.

Kiến ba khoang có thể xuất hiện quanh năm, nhưng dễ gặp nhất vào mùa mưa nhiều, từ tháng 6 đến tháng 10. Dù thường sống ở đồng ruộng, nhưng chúng cũng dễ bị ánh đèn thu hút để bay vào trong nhà vào buổi tối.

Việc không nhận dạng đúng kiến ba khoang có thể gây ra nhiều hệ lụy, chẳng hạn như là tiệu diệt kiến ba khoang sai cách, không đánh giá đúng được mật độ kiến ba khoang trong nhà, thiếu đề phòng kiến xâm nhập…

Kiến ba khoang

2. Giết kiến ba khoang bằng tay không

Theo thói quen, ta thường vỗ chết côn trùng khi thấy chúng đậu vào người. Là muỗi hoặc kiến lửa thì không sao, chứ nếu đó là kiến ba khoang, thì bạn sẽ sớm phải hối hận. Đó là sai lầm về kiến ba khoang thứ 2 mà rất nhiều người đã mắc phải.

Theo các nhà khoa học, kiến ba khoang mang trong mình độc tố pederin, có độc tính mạnh gấp 12 – 15 lần nọc rắn hổ. Cũng may khi bình thường chúng là loài côn trùng hiền lành, không chủ động tấn công con người.

Nếu chẳng may ta đập chết chúng bằng tay không, thì lượng độc tố sẽ dính vào da, khiến da phồng rộp, nổi mụn nước trong vòng 12-36 giờ sau khi tiếp xúc với độc tố. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, tình trạng viêm nhiễm có thể trở thành vết loét sâu.

Để tránh viễn cảnh tai hại này, bạn cần tránh thói quen đập chết côn trùng khi chưa nhận dạng được đó là con gì. Nếu phát hiện kiến ban khoang trên da hoặc bò trong nhà, hãy dùng giấy ăn hoặc đeo găng tay vào để bắt chúng.

3. Sai lầm về kiến ba khoang: Nhầm lẫn với bệnh zona

Không ít người bị phồng rộp da do tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang nhưng lại tưởng rằng mình bị zona. Điều này dẫn tới điều trị sai cách, khiến vết thương không những không khỏi mà còn chuyển thành vết loét nghiêm trọng.

Bác sĩ Quách Thị Hà Giang, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, chỉ ra những khác biệt cơ bản giữa zona và vết thương do kiến ba khoang. Theo bác sĩ, nếu bị dính chất độc của kiến ba khoang, bệnh nhân thường sẽ thấy nóng rát trước khi xuất hiện rát đỏ, mụn nước tổn thương đi theo thành từng vệt. Đồng thời, nếu gãi hoặc chà xát sang vị trí xung quanh, thì chủ yếu thấy nóng rát chứ không phải đau nhức như khi bị zona.

Vết thương do kiến ba khoang gây ra

4. Sai lầm về kiến ba khoang: Sơ cứu và điều trị sai cách

Do không biết hoặc không lường trước được tác hại của vết thương do kiến ba khoang gây ra, nhiều người thường tự điều trị tại nhà bằng thuốc bôi da, thậm chí có người dùng các “phương thuốc truyền miệng” như đắp lá, dùng gạo, đậu xanh giã nát lấy nước bôi… 

Một số trường hợp dính ít chất độc thì có thể tự khỏi sau vài ngày, còn với những trường hợp nặng, các biện pháp điều trị thiếu căn cứ như trên càng làm tăng mức độ nghiêm trọng. Vết thương có thể bội nhiễm, nhiễm trùng, lở loét, và lan rộng ra các vùng da xung quanh.

Nếu phát hiện mình bị dính chất độc của kiến ba khoang, bạn cần nhanh chóng rửa vết thương bằng nước sạch, cồn 70 độ, nước muối sinh lý hoặc xà phòng để giảm thiểu độc tố trên da. Trong những ngày tiếp theo, hãy đều đặn bôi mỡ corticoid (4-6 lần/ngày) hoặc bôi kem phenaegan (8-10 lần/ngày).

Nếu tổn thương nhẹ thì thường sẽ ổn định sau 5 đến 7 ngày. Trường hợp vết thương nặng, cần tới gặp ngay bác sĩ da liễu. Tuyệt đối tránh mua thuốc tự điều trị.

Với tổn thương nhẹ, chỉ cần bôi thuốc trị ngứa côn trùng.

5. Chủ quan trong việc phòng kiến ba khoang

Thời gian gần đây, kiến ba khoang xuất hiện cực kỳ nhiều tại các khu chung cư, cư xá, ký túc xá, tái định cư, nhà ở tập thể tại TP.HCM, Huế, Hà Nội… Thế mà nhiều người vẫn giữ tâm lý chủ quan khi cho rằng mình ở căn hộ cao tầng, kiến ba khoang không bay vào được. Sự chủ quan này có thể khiến bạn mắc phải tất cả các sai lầm đã liệt kê ở bên trên.

Để đề phòng kiến ba khoang, bạn nên đóng cửa sổ, nhất là cửa hướng ra phía đồng ruộng, khoảng đất trống. Hãy bỏ màn khi đi ngủ, và nhớ kiểm tra quanh giường xem có côn trùng lạ nào không, nhất là với giường của trẻ con.

Thuốc diệt côn trùng cũng tiêu diệt được kiến ba khoang. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, thuốc chỉ giúp tiêu diệt những cá thể kiến đang trong nhà bạn chứ không thể ngăn chúng bay vào trong tương lai.

Một số biện pháp có thể giúp giảm thiểu kiến ba khoang:

  • Hạn chế bật đèn neon, đèn có ánh sáng xanh (Sẽ thu hút côn trùng mạnh)
  • Lắp đặt lưới chống côn trùng
  • Sử dụng đèn diệt côn trùng, dụng cụ bẫy côn trùng
  • Treo xả hoặc sạ hương ở trong nhà, có thể dùng tinh dầu có mùi này
  • Phun diệt côn trùng tổng thể cả nhà

Tóm lại, kiến ba khoang thực sự vẫn là vấn đề gây đau đầu với mọi gia đình. Nhưng chí ít bạn có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ dính phải chất độc nguy hiểm của kiến ba khoang, bằng cách đề phòng những sai lầm thường gặp kể trên.