Sốt xuất huyết diễn biến căng thẳng: Bác sĩ khuyến nghị việc mọi gia đình cần làm

Trong thời gian gần đây, dịch sốt xuất huyết tại các tỉnh thành liên tục lập đỉnh. Trong tuần đầu tháng 10 năm 2023, riêng Hà Nội ghi nhận thêm 105 ổ dịch sốt xuất huyết với 2.600 ca bệnh, cao nhất từ đầu năm đến nay.

Số ca bệnh không tăng đột biến, nhưng diễn biến rất khó lường

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội, trong tuần qua toàn thành phố ghi nhận 2.593 ca mắc sốt xuất huyết mới, tăng tổng số ca mắc bệnh này tại Hà Nội lên con số 17.974. So với với cùng kỳ năm ngoái, tổng số ca mắc đã tăng hơn 3 lần.

Tại nhiều tỉnh thành khác, bệnh sốt huyết cũng đang bùng phát mạnh. Chẳng hạn, tại địa bàn tỉnh Hải Dương, trong ba ngày 09-11/10, đã liên tiếp xuất hiện thêm 3 ổ dịch mới. Riêng ngày 11/10, Hải Dương đã ghi nhận thêm 37 ca mắc sốt xuất huyết mới.

Phát ban là một trong những dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết.

Trao đổi với báo chí, bác sĩ Phạm Văn Phúc, hiện đang giữ chức phó trưởng khoa hồi sức tích cực của Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương, cho biết số ca bệnh sốt xuất huyết năm nay không tăng đột biến, dẫu vậy diễn biến chuyển thành tình trạng nặng của bệnh nhân rất khó lường.

Hiện nay khoa đang điều trị tích cực cho bệnh nhân H. (46 tuổi, trú tại Hà Nội). Bệnh nhân nhập viện vào ngày thứ 6 của bệnh, ghi nhận xuất huyết cơ thành bụng và vùng chậu. Tình trạng bệnh nhân rất nặng, sốc mất máu và suy hô hấp. Tình trạng xuất huyết vùng cơ đã được ghi nhận trước đây nhưng không nhiều“, bác sĩ Phúc thông tin thêm.

Đối với bệnh sốt xuất huyết, đối tượng quan tâm hàng đầu là trẻ em. Bệnh tuy có tỉ lệ tử vong không cao nhưng một khi mắc phải sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sinh hoạt của trẻ nhỏ.

Về tình trạng trẻ em mắc sốt xuất huyết, theo bác sĩ Đặng Thị Thúy – trưởng khoa nhi Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương, thì năm nay khoa nhi tiếp nhận khá nhiều bệnh nhi từ các tỉnh miền Bắc.

Người dân vẫn còn chủ quan, tự theo dõi điều trị hoặc tự ý truyền dịch tại nhà. Nhiều trường hợp đến viện muộn, đã chuyển nặng dẫn đến khó khăn trong việc điều trị“, bác sĩ Thúy nhận xét.

Các gia đình cần phải làm gì?

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có thuốc đặc trị cũng như vaccine phòng sốt xuất huyết. Gần đây một loại vaccine phòng sốt xuất huyết của Nhật Bản cũng đang được thử nghiệm tại Việt Nam, tuy nhiên để được cấp phép và tiêm phòng diện rộng thì vẫn còn là một hành trình dài.

Trong khi chờ đợi vaccine phòng sốt xuất huyết hiệu quả, các chuyên gia y tế khuyến cáo cách tốt nhất và hiệu quả nhất vẫn là chủ động diệt muỗi và phòng ngừa muỗi đốt.

Cơ quan y tế tiến hành phun thuốc phòng muỗi ở khu dân cư.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Khoa – Phó phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, tư vấn rằng để phòng muỗi, có thể kết hợp nhiều phương pháp như bôi kem đuổi muỗi, dùng thuốc xịt phòng muỗi, dùng vợt muỗi, hương muỗi, mặc quần áo dài tay.., và đặc biệt là mắc màn khi ngủ. Cần chú ý đến thời điểm muỗi hoạt động mạnh, đó là vào lúc chập tối và sáng sớm.

Một biện pháp vô cùng quan trọng nhưng thường bị đánh giá thấp là ngăn chặn sự phát triển, sinh sôi của muỗi. Cần thường xuyên loại bỏ nước đọng ở các thùng, chậu, vũng nước,… để chống lại nguy cơ loăng quăng, bọ gậy sinh sôi. Cùng với đó, có thể thả các hỏa chất diệt ấu trùng muỗi vào bể nước công trình xây dựng.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Khoa cũng cho biết phun thuốc diệt muỗi cũng là một giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, khi lựa chọn hóa chất, chế phẩm để phun, cần lựa chọn các sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép, tránh các sản phẩm giá rẻ, trôi nổi trên thị trường.

Khi phun thuốc muỗi, cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và của cơ quan y tế. Tuyệt đối tránh pha thuốc quá đặc với tâm lý “càng đặc càng có hiệu quả”, vì có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Công Thắng (Termi Việt Nam)